GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, đề xuất giá bán lẻ điện bình quân sẽ có tăng, giảm với biên độ cụ thể hơn sẽ làm căn cứ để giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến giá đầu vào của ngành điện.
Đề xuất EVN được tự tăng giá điện dưới 5% mỗi quý
Bộ Công Thương vừa đề xuất phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân.
Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng.
Trường hợp giá điện tăng từ 5 đến dưới 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá sẽ do Bộ Công Thương quyết định. Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung quá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Cũng theo dự thảo lấy ý kiến, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.
Trao đổi với Lao Động ngày 20.7, GS.TS Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh, áp dụng từ 4.5.2023. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Quyết định 24 áp dụng từ năm 2017 đến nay, EVN được điều chỉnh giá điện nếu giá bán lẻ bình quân tăng từ 3% do các thông số đầu vào các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý... tăng.
Do vậy, GS Trần Đình Long cho rằng, đề xuất giá bán lẻ điện bình quân sẽ có tăng, giảm với biên độ cụ thể hơn sẽ làm căn cứ để giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến giá đầu vào của ngành điện.
Thời gian điều chỉnh là 3 tháng thay vì 6 tháng như trước là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường điện cạnh tranh đang được vận hành. Bởi vừa qua giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng liên tục, đặc biệt là giá than, giá khí, xăng dầu... Nếu không kịp thời cập nhật các chi phí, sẽ không đảm bảo được chi phí sản xuất, giá thành đầu vào cho ngành điện.
Để giá điện sát với thị trường
Tại hội thảo "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 18.7, PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, giá bán lẻ điện được xem xét điều chỉnh theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân. Gần nhất, điện được tăng giá 3% từ đầu tháng 5.2023, sau 4 năm kìm giữ.
Theo ông Hồi, năm 2022 nguồn điện chịu các chi phí nhiên liệu đầu vào tăng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine, tín hiệu thị trường này đã không phản ánh trong giá bán lẻ, khi giá bán lẻ điện bình quân chỉ tăng 3% vào đầu tháng 5.2023.
Do đó, cơ quan quản lý cần tính toán và đưa giá điện theo thị trường hơn. Mặt khác, cần bổ sung thành phần về chi phí công suất. Bởi, khi có thêm nguồn điện mới như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tích hợp vào hệ thống, chi phí tính toán trên mỗi kWh không còn phù hợp.
"Do vậy, cần cơ chế điều chỉnh giá để mang tín hiệu thị trường, khi đó mới nghĩ tới thị trường bán lẻ cạnh tranh", ông Hồi nhận xét.
Cũng tại hội thảo này, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý cho việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cũng như sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), nhằm thúc đẩy các nhà máy điện tái tạo tham gia, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng điện sạch, phát triển bền vững.
Theo ông Sơn, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành một đơn vị độc lập khỏi EVN để việc vận hành thị trường điện công khai, bình đẳng giữa các bên tham gia. Việc này, theo ông, có thể kiểm soát tốt chi phí cung ứng điện thông qua quy trình chào giá cạnh tranh trên thị trường điện.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.