TP HCM kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế mua bán sản lượng không dùng hết của điện mặt trời mái nhà, nhằm khuyến khích đầu tư loại nguồn này.
Thông tin nêu tại kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan về triển khai cơ chế đặc thù cho thành phố theo Nghị quyết 98, sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp điện mặt trời.
Theo đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCM) kiến nghị EVN, Bộ Công Thương và Thủ tướng ban hành cơ chế mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống điện mặt trời mái nhà. Việc trên nhằm khuyến khích phát triển loại nguồn năng lượng tái tạo này. Sở Công Thương TP HCM được giao hoàn thành đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền cuối tháng 11.
Thực tế, gần ba năm sau khi Quyết định 13 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực cuối năm 2020, cơ chế mới cho loại nguồn điện này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ban hành. Điều này đồng nghĩa từ cuối 2020 đến nay, hệ thống điện mặt trời mái nhà không được đấu nối vào lưới điện.
Tại hội thảo hồi đầu năm về chính sách năng lượng tái tạo, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế mua bán điện cho điện mặt trời mái nhà để tránh lãng phí nguồn lực.
Báo cáo của Tổng Công ty Điện lực TP HCM cho thấy đến cuối năm 2022, thành phố có trên 14.150 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Gần 99% trong số này được lắp đặt để tự sử dụng tại chỗ. Từ đầu 2021 đến nay, việc ký hợp đồng mua bán loại điện này tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.
Ngoài đề xuất cơ chế mới cho điện mặt trời mái nhà, TP HCM cũng lập đề án lắp loại nguồn điện này trên mái các trụ sở, cơ quan. Phó chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu lập phương án đầu tư tổng thể. Trên cơ sở này, Sở Công Thương xây dựng tiêu chí đánh giá trụ sở đủ điều kiện lắp đặt, khái toán khối lượng, tổng mức đầu tư. Ngoài ra, Sở này cũng được giao đánh giá hiệu quả đầu tư lâu dài việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái các công trình, trụ sở công.
Với các đơn vị sự nghiệp công, tài sản công khác, lãnh đạo thành phố yêu cầu lập phương án đầu tư theo hình thức phân tán, nhằm khuyến khích, đa dạng nguồn vốn triển khai.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.